1. Xà Sàng Tử – Thần Dược Cho Phụ Nữ Có Tử Cung Lạnh
Xà sàng tử là hạt của cây Xà sàng, còn được gọi là Giần sàng. Tên khoa học là Cnidium monieri (L.) Cuss., thuộc họ Hoa tán (Apiacea). Tên Giần sàng xuất phát từ hình dáng cụm hoa trông giống cái giần hay cái sàng gạo khi nhìn từ trên xuống. Tên xà sàng do rắn hay nằm lên và ăn hạt cây này: xà = rắn, sàng = giường.
Cây xà sàng và vị thuốc xà sàng tử
Theo Đông y, xà sàng có vị cay, đắng, tính ấm, vào hai kinh Thận và Tỳ, có tác dụng cường dương, làm ấm tử cung, sát trùng, chống ngứa. Do đó, xà sàng tử được coi là thần dược giúp phụ nữ có tử cung lạnh, khó thụ thai hoặc điều trị viêm ngứa âm đạo hiệu quả.
Một số bài thuốc sử dụng xà sàng tử trong điều trị các bệnh phụ khoa:
- Chữa tử cung lạnh, khó thụ thai: Xà sàng tử 12g, ba kích 12g, ngũ vị tử 8g, pá cố chỉ 8g, nhục quế 8g. Tất cả tán bột mịn, có thể làm thành viên uống 24g mỗi ngày với nước sắc dây tơ hồng sao 30g.
- Chữa bạch đới khí hư: Xà sàng tử và phèn chua với lượng bằng nhau, tán nhỏ, nấu hồ trộn vào làm viên như quả táo, bọc lụa hay gạc đặt vào âm hộ, thấy nóng thì bỏ ra. Có thể sắc nước để rửa.
- Chữa viêm âm đạo do trùng roi: Xà sàng tử 30g, hoàng bá 9g, tán thành bột mịn, trộn với glycerogelatin làm thành thỏi nặng 2g, đặt một thỏi vào âm đạo mỗi ngày.
- Chữa lở ngứa bộ phận sinh dục: Dùng xà sàng tử, lá sen, bèo ván mỗi thứ một nắm, nấu thành nước xông và rửa hoặc dùng xà sàng tử 30g, bạch phàn 6g sắc nước rửa.
2. Ích Mẫu – Vị Thuốc Của Mẹ
Ích mẫu, còn gọi là Sung úy, có tên khoa học là Leonurus japonicus Houtt., thuộc họ Hoa môi (Lamiacea). Tên ích mẫu có nghĩa là “có ích cho mẹ” (ích = có ích, mẫu = mẹ).
Cây ích mẫu và vị thuốc ích mẫu khô
Theo y học cổ truyền, ích mẫu có vị cay, đắng, tính hơi hàn, có khả năng trục ứ huyết, sinh huyết mới, hoạt huyết điều kinh. Những người có đồng tử mở rộng không nên dùng.
Ích mẫu được nhân dân sử dụng lâu đời, đặc biệt tốt cho phụ nữ sau sinh. Một số bài thuốc phổ biến:
- Chữa đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều: Ích mẫu, hương phụ, ngải cứu, bạch đồng nữ mỗi thứ 12g, sắc uống mỗi ngày một thang.
- Giúp tử cung co hồi sau sinh: Ích mẫu 36g, đương quy 9g. Sắc uống, chia làm 3 lần trong ngày.
3. Ngải Cứu – Bài Thuốc Điều Kinh
Ngải cứu, còn gọi là Ngải diệp, có tên khoa học là Artemisia vulgaris L., thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Cây ngải cứu và vị thuốc ngải cứu khô
Theo Đông y, ngải cứu có tính hơi ôn, vị cay, dùng làm thuốc ôn khí huyết, trục hàn thấp, điều kinh, an thai. Ngải cứu chữa đau bụng do hàn, kinh nguyệt không đều, thai động không yên, thổ huyết, máu cam.
Một số cách dùng và bài thuốc từ ngải cứu:
- Điều kinh: Trước kỳ kinh một tuần, uống mỗi ngày 6-12g (tối đa 20g), sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể dùng thuốc bột (5-10g) hoặc thuốc cao đặc (1-4g).
- Chữa kinh nguyệt kéo dài, máu ra nhiều: Uống sáng và chiều theo đơn: Lá ngải cứu khô 10g, thêm 200ml nước, cô còn 100ml, thêm ít đường cho dễ uống.
- An thai (chữa đau bụng, chảy máu khi mang thai): Lá ngải cứu 16g, tía tô 16g, sắc với 600ml nước còn 100ml, thêm ít đường, chia làm 3-4 lần uống trong ngày.
Ngoài ba cây thuốc quý trên, trong vườn nhà còn nhiều loại cây có lợi cho sức khỏe gia đình. Hãy trau dồi kiến thức y học cơ bản để tận dụng và sử dụng chúng một cách hiệu quả.